Tiền cổ Việt Nam là cả 1 kho tàng cần khám phá và nghiên cứu. Bởi 1 nước có nền văn hiến lâu đời như nước ta thì việc nghiên cứu về tiền cổ và điều cần thiết, nó giúp chúng ta gìn giữ được các nét lịch sử văn hóa lâu đời.
Chúng tôi đã nghe rất nhiều người tâm huyết, mong muốn một cơ quan chủ quản như Ngân hàng Nhà nước, hoặc Bộ Tài chính chẳng hạn, đứng ra tổ chức lập hội, tập hợp mọi anh tài dưới “mái nhà” của Hội Sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ Việt Nam. Điều này cũng rất phù hợp với Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch phát triển hệ thống Bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 và Chỉ thị 84/2008/CT-BVHTTDL về việc thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các Bảo tàng và sưu tập tư nhân, nhằm huy động được mọi lợi ích giữa Nhà nước và tư nhân có liên quan đến văn hóa tiền tệ.
Lợi ích là rất lớn từ hai phía đối tác Nhà nước- tư nhân.
Là người
sưu tầm tiền, ai cũng muốn giới truyền thông, báo chí và một cơ quan chuyên ngành nào đó biết và giới thiệu về họ. Đây là mối lợi ngẫu nhiên. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, chẳng mấy chốc đã rất nhiều người biết họ là ai, thậm chí, nổi tiếng cũng bắt đầu từ đây. Chỉ vài năm gần đây cũng có đến hàng chục sự kiện trong giới được quan tâm chú ý. Và đây là một vài trường hợp tiêu biểu.
Đặng Đức Dũng (đứng) chụp ảnh lưu niệm với nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm tại Hội thảo "Tiền Việt Nam- các giá trị lịch sử và kinh tế- xã hội" nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Ngân hàng
Bộ sưu tập tiền Việt Nam của Nhà sưu tầm Đặng Đức Dũng sẽ ít có độ tin cậy hơn nếu không có một Bằng Chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2006 khi ông cho mượn triển lãm chuyên ngành tại Hà Nội. Đến giờ ông vẫn còn giữ được “bảo chứng” này như là điều kiện tốt để tự giới thiệu về bộ sưu tập của mình.
Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Thạo nhanh chóng có nhiều người “hỏi thăm” và giao dịch làm ăn khi từ chốn Kinh Bắc ông đã tham gia góp sức cho cuốn sách “Tiền kim loại Việt Nam” của Bảo tàng Lịch sử năm 2005 và giúp Ngân hàng Nhà nước làm một gian trưng bầy tiền cổ tại triển lãm chuyên ngành nhân dịp Hà Nội tròn 1000 năm tuổi .
Hoành tráng hơn và chắc hẳn giá trị đã tăng lên rất nhiều khi bộ sư tập của Nhà sưu tầm Nguyễn Đình Sử được Bảo tàng Hà Nội thuê trưng bầy ngay từ khi mới khai trương.
Tên tuổi và một số bộ sưu tập tư nhân của Huỳnh Minh Hiệp, Nguyễn Nữ Thiên Hương, Lê Hoan Hưng, Huỳnh Tấn Thành sẽ ít người biết đến nếu không có một triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2008.
Nguyễn Nữ Thiên Hương, Huỳnh Minh Hiệp, Lê Hoan Hưng, Huỳnh Tấn Thành (trái sang) tại Lễ khai trương triển lãm chuyên đề "Tiền Việt Nam" tại Bảo tàng TP.HCM nhân 30 năm ngày thành lập
Ngoài ra, rất nhiều ví dụ có thể dẫn ra đây để nói lên lợi ích của giới sưu tầm tư nhân khi tên tuổi cùng tài sản của họ được một cơ quan Nhà nước chuyên ngành lưu ý hợp tác. Như vậy, trong mối liên kết hợp tác Nhà nước- tư nhân : Cơ quan Nhà nước, với lợi thế tư cách pháp nhân thường sử dụng được một nguồn “tài sản” rất lớn, nếu không muốn nói là vô giá của giới sưu tầm tư nhân. Bù lại, giới sưu tầm tư nhân đã tự giới thiệu được mình trước công chúng, đồng thời “đẩy” được giá trị tên tuổi cùng sưu tập lên một tầm cao mới.
Việc lập hội dưới sự giám sát của một cơ quan Nhà nước chủ quản là mối quan hệ, hợp tác Nhà nước- tư nhân dưới góc độ chuyên ngành, chuyên nghiệp. Lợi thế của mối quan hệ này cũng chính là xuất phát từ góc độ chuyên môn, chuyên nghiệp để định ra các điều luật trong việc tổ chức và điều hành công việc. Như vậy, khi Ngân hàng Nhà nước, hoặc Bộ Tài chính cho ra đời Bảo tàng tiền, thì cũng đã có ngay Hội Sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ Việt Nam có thể trợ giúp và đỡ đầu về nhiều mặt. Đây có thể xem là sự chuẩn bị một bước, trước khi nước ta có Bảo tàng tiền Việt Nam.
Cuối cùng, mối lợi trực tiếp mà cả hai bên Nhà nước và tư nhân không thể bỏ qua, đó là việc tập hợp được nhiều nguồn hiện vật khác nhau để lựa chọn tổ chức trưng bầy triển lãm theo chuyên đề, khi nguồn vốn của cơ quan chủ quản đang còn hạn hẹp. Thông qua trưng bầy, sẽ tổ chức giám định, công nhận và cấp các “Chứng chỉ vật niêm” cho hiện vật tiền, cũng như việc tổ chức bán đấu giá các bộ sưu tập. Với các hoạt động nêu trên, hiện vật trong các hệ thống sưu tập tiền sẽ có độ tin cậy và giá trị cao hơn, đây chính là sự bảo đảm, một khi cơ quan chủ quản thực sự muốn quản lý, xếp hạng các bộ sưu tập, đồng thời, cũng chính là động lực để các nhà sưu tầm không ngừng hoàn thiện, nâng cao giá trị bộ sưu tập qua việc đánh giá, xếp hạng mỗi năm.
Việc lập ra Hội Sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ Việt Nam là một bước đi cần thiết trong thời điểm hiện nay để khai thác được các nguồn lợi từ mối quan hệ giữa Nhà nước với tư nhân. Thiết nghĩ các cơ quan chủ quản liên quan đến văn hóa tiền tệ cần lưu ý xem xét khía cạnh này để có thể sớm có một tổ chức hội đi vào hoạt động trong một tương lai gần.\
Nguồn : ST